1. Cảm cúm, Cảm Lạnh là gì?
Cảm cúm và cảm lạnh là hai bệnh lý khác nhau, tuy nhiên lại có những triệu chứng tương đồng nên rất nhiều người nhầm lẫn. Có khi còn mắc cả hai loại cảm lạnh cảm cúm một lúc – khi cảm thấy khó chịu, uể oải thời gian dài là dấu hiệu đã mắc thêm một loại virus nữa. Vì vậy cần biết cách phân biệt cảm lạnh và cảm cúm để điều trị tích cực ngay từ đầu, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Cảm lạnh: Do hàng trăm loại virus khác nhau gây ra. Cảm lạnh thông thường chủ yếu ảnh hưởng tới mũi, họng (viêm họng), và các xoang (viêm xoang)... gây ngạt mũi, chảy nước mũi, sốt nhẹ, ho có đờm, cơ thể mệt mỏi và hơi gai lạnh. Các triệu chứng của cảm lạnh biểu hiện từ từ, cơ thể mệt mỏi 3-4 ngày và tự hết trong vòng 7 - 10 ngày.
Cảm cúm: Cảm cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp, gây ra bởi virus cúm thường do hai chủng virus cúm A, B gây ra. Triệu chứng điển hình khi mắc bệnh cúm gồm: Sốt cao, ớn lạnh và đổ mồ hôi, viêm họng, ho khan, đau đầu, đau cơ hoặc đau nhức cơ thể, mệt mỏi và suy nhược…
Hội chứng đau là dấu hiệu khá nổi bật của cúm, giúp phân biệt với cảm lạnh thông thường. Nếu trẻ em bị mắc cảm cúm sẽ bị đau đầu, đau cơ bắp, đau nhức khắp mình mẩy… thể hiện quấy khóc, bị kích thích nhiều...
Vài dấu hiệu phân biệt cảm lạnh, cảm cúm như sau:
- Triệu chứng cảm lạnh thường ngắn hơn cảm cúm (3-4 ngày) và chỉ đi kèm với tình trạng chảy nước mũi và sốt nhẹ.
- Triệu chứng cảm cúm thường kéo dài và đi kèm với sốt, run rẩy và đau cơ. Hầu hết các trường hợp bị cảm cúm sẽ khỏi bệnh trong 5-7 ngày, quan trọng là cần nghỉ ngơi nhiều và uống nhiều nước.
Cảm cúm tốc độ lây lan khá nhanh qua đường hô hấp. Người già, trẻ em và phụ nữ mang thai nếu mắc cúm dễ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi và những bất thường cho sản phụ, thai nhi.
2. Các bài thuốc dân gian phòng & chữa cảm lạnh, cảm cúm
2.1 Dùng tỏi tía
Tỏi không chỉ là một loại gia vị mà còn là phương thuốc trị cảm lạnh và cảm cúm vô cùng hiệu quả. Theo Đông y, tỏi có vị cay, tính ôn, nằm trong hai kinh can và vị. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, chữa bệnh lỵ ra máu, tiêu nhọt, hạch ở phổi, tiêu đàm, trừ ho.

Còn theo y học hiện đại, trong tỏi có chứa chất oxy hóa mạnh, có thể tiêu diệt vi rút, kháng khuẩn nên chữa cảm lạnh, cảm cúm rất tốt. Bạn có thể dùng cách trị cảm lạnh này ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh.
Để chữa cảm lạnh, bạn dùng tỏi tươi bóc vỏ, giã nát rồi ngửi nhiều lần, sau đó pha phần tỏi giã nát với nước và uống. Ngoài ra, bạn có thể thái lát tỏi, ngâm trong giấm khoảng 30 ngày, rồi ngậm lát tỏi trong miệng từ 10 đến 15 phút mỗi ngày.
2.2 Canh gừng
Chứa tinh dầu diệt nấm, diệt khuẩn, hiệu quả với các chứng viêm nhiễm đường hô hấp, viêm họng nên thường được dùng để trừ cảm lạnh dưới dạng trà gừng nóng, cháo gừng. Mứt gừng, gừng muối có tác dụng ôn dương (làm ấm), tán hàn (chống lạnh), tiêu đàm. Gừng thường được nấu canh ăn giải cảm.

Cách nấu như sau: hành 15 gr, gừng tươi 6 gr, lá tía tô 6 gr. Hoặc gừng tươi 10 gr xắt lát, nấm tươi 500 gr xắt đoạn… Nấu với nước, sắc đến khi 4 chén còn 2 chén, thêm muối vừa miệng, uống làm hai lần. Cũng có thể lấy giấm 500 ml, gừng tươi và tỏi lớn mỗi thứ 100 gr rửa sạch, xắt lát ngâm trong giấm, đậy kín trong 30 ngày. Khi bị cảm dùng thức ăn kèm với 2 muỗng cà phê 10 ml giấm ngâm gừng tỏi.
2.3 Dùng tía tô

Tía tô là loại gia vị quen thuộc với người Việt Nam. Với mùi thơm, tính ấm, tía tô cũng có tác dụng trong việc giảm các triệu chứng của bệnh cảm cúm. Nếu thấy trong người sốt, khó ra mồ hôi, tức ngực, buồn nôn, dùng lá tía tô giã nhỏ, gạn lấy nước uống sẽ thấy hiệu quả tức thì.
Với lá tía tô, bạn cũng có thể dùng nấu cháo để giải cảm cúm. Món ăn không chỉ bổ dưỡng mà còn ngăn chặn hiện tượng đau đầu, buồn nôn, ho có đờm…Tía tô đặc biệt tốt cho các bà mẹ nấu các món an thai.
2.4 Dùng kinh giới
Kinh giới được biết đến là một loại rau thơm ăn kèm cùng rau muống hoặc ăn bún rất ngon. Hơn thế nữa, kinh giới cũng nằm trong danh sách những vị thuốc nam của những bài thuốc y học cổ truyền dân tộc. Cây kinh giới có vị the mát giống như vị bạc hà. Kinh giới có tác dụng chữa cảm cúm, đau nhức các đầu xương rất hiệu quả.

Cách thực hiện bào chế thuốc như sau:
- Lá kinh giới tươi 50g
- Gừng tươi 10g
Rửa sạch nguyên liệu trên và giã nát lấy nước cốt uống ngày 2 lần. Sử dụng bã để xoa hoặc đắp lên xương sống.
2.5 Cây bạc hà
Bạc hà được biết đến là vị thuốc nam trong đơn thuốc chữa nhiều căn bệnh. Không những thế, nó còn là một thứ hương vị trong nhiều loại kẹo, bánh. Bạc hà có vị cay nhẹ, mát, thơm và là một trong nhiều vị thuốc chữa cảm cúm rất hiệu quả.
Nếu cảm cúm có kèm theo sốt nóng (rét), nhức đầu, sổ mũi thì chúng ta có thể bào chế bài thuốc chữa cảm cúm như sau:
- Bạc hà khô 5g
- Hoa cúc vàng khô 10g
- Kinh giới khô 5g
- Kim ngân khô 15g
Sắc lên và chia 2 lần uống trong ngày. Sử dụng trước khi ăn để có hiệu quả tốt nhất và uống liên tiếp 3 ngày liền.

Trường hợp khác thì có thể sử dụng theo liều lượng:
Bạc hà khô 20g
Tỏi 10g
Hạt mùi khô 5g
Cho các nguyên liệu trên vào nồi cùng 3 bát nước. Sắc đến khi còn 1 bát nước thì dừng lại. Lấy 1 phần để uống, phần còn lại dùng để xông mũi hay còn gọi là ngửi hơi thuốc. Mỗi ngày 1 lần và thực hiện liên tiếp 2 ngày liền. Đảm bảo sức khỏe của bạn sẽ trở lại bình thường.
Lưu ý: Không sử dụng bạc hà cho người cao huyết áp và trẻ sơ sinh.
2.6 Nước chanh + Mật ong
Đây là phương pháp trị cảm cúm đơn giản và hiệu quả mọi người có thể áp dụng thực hiện. Cách thực hiện đơn giản như sau: các bạn tiến hành đun nước sôi, tiếp đến có nước cốt chanh vào và tiếp tục đun sôi, cuối cùng cho thêm chút mật ong và dùng.

Trong mật ong có chứa những hợp chất giúp làm giảm đau họng, thành phần trong nước chanh lại giúp nâng cao được hệ miễn dịch một cách hiệu quả nhất.
2.7 Hành
Hành là vị thuốc chữa cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi vô cùng hiệu quả.

Người ta đem thái nhỏ rồi cho vào bát cháo nóng cho người bệnh sử dụng. Cũng giống như tía tô, sau khi ăn cháo người bệnh sẽ toát mồ hôi và nhanh chóng khỏi
Đối với người có triệu chứng sốt nhức đầu, ngoài việc ăn cháo hành thì người ta sử dụng:
Hành củ
Húng tươi
Chè búp khô
Tía tô
Đem sắc thuốc rồi uống nóng 2 lần 1 ngày.
Ngoài ra, người bệnh cần chú ý chế độ ăn uống nhiều năng lượng, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, nước quả tươi giúp tăng cường vitamin sẽ tăng sức đề kháng, giảm khô háo họng. Súc miệng bằng nước muối, nhỏ mũi giúp thông mũi là phương pháp đơn giản, hiệu quả trong điều trị cảm cúm.
Trên đây là những bài thuốc dân gian về cách phòng và chữa lạnh và chữa cảm hiệu quả mọi người có thể áp dụng. Nếu áp dụng những phương pháp trên mà không giảm các bạn nên đến trung tâm y tế hay các bệnh viện gần nhất để được các bác sĩ thăm khám để có hướng điều trị dứt điểm.
(Nguồn: Tổng hợp)